SƠ LƯỢC TRUYỀN THỐNG DÒNG HỌ LÊ LÀNG KIM CHI

SƠ LƯỢC TRUYỀN THỐNG DÒNG HỌ LÊ LÀNG KIM CHI

Dòng họ Lê Văn - xóm Kim Chi, xã Nghi Liên, thành phố Vinh (xưa là thôn Chi Bái, xã Kim Tuyền huyện Chân Phúc, phủ Anh Đô, trấn Nghệ An) được hình thành từ những năm giữa Thế kỷ 16. Đức Thuỷ Tổ Họ Lê, huý danh là Lê Trọng Thiên, Thụy danh là Lê Tiên Công (Tên do nhà vua ban tặng khi lâm chung).
Ngài là dòng dõi Tôn thất nhà Lê, quê ở Thanh Hoá, nhậm chức Tri huyện, Huyện Kim Thành, Tỉnh Hải Dương.
Theo ngược dòng lịch sử, Tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi, đổi niên hiệu là Minh Đức. Cựu thần nhà Lê nổi lên hùng cứ các nơi, bốn phương nhiễu loạn. Năm 1533, một người con của Lê Chiêu Tông tên là Lê Trang Tông, huý là Ninh đã được tôn lên ngôi vua ở đất Ai Lao (Lào), nhiều cựu thần nhà Lê được tin đã trốn theo. Năm 1534, một triều đình mới của nhà Lê được hình thành ở Thanh Hóa, sử gọi là Nam triều để phân biệt với Bắc triều của nhà Mạc. Huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, nơi Tri huyện Lê Trọng Thiên đang nhậm chức lúc này thuộc về đất nhà Mạc.

photo 2023 02 18 09 43 12
Nhà thờ họ Lê và Mỗ tổ họ Lê là khu di tích cấp tỉnh, thành phố

Ngài tri huyện Kim Thành Lê Trọng Thiên, quan lại Nhà Lê phải chạy vào Nam lánh nạn trong khoảng thời gian ấy. Chạy vào Nghệ An, đến huyện Chân Phúc (Nghi Lộc), thấy địa hình sơn thuỷ hữu tình đất đai phì nhiêu, nhiều vùng chưa khai thác, dân cư phân tán. Trước tình thế đất nước lâm vào nội chến, dân tình khổ cực, Ngài Tri huyện Lê Trọng Thiên bèn nghĩ kế chiêu dân, lập ấp, khai khấn đất hoang, trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, xây dựng hậu cứ, tích trữ quân lương, giúp nhà vua khôi phục triều chính nhà Lê. Ngài là người đi đầu trong việc khai khấn đất đai một vùng rộng lớn, giúp dân an cư lạc nghiệp, góp phần xây dựng xã hội ổn định. Nên lúc thọ chung, Ngài được nhà Vua ban tên thuỵ: LÊ TIÊN CÔNG.

Hiển Thuỷ Tổ tỷ (tức Đức Tổ bà) huý danh là Đinh Thị Thóc, nguyên quán xã Kim Khê, huyện Chân Phúc, Nghi Lộc, nay là xã Nghi Long. Bà sinh trưởng trong một gia đình quý phái, giàu có, đẹp nết, đẹp người. Khi Bà về với Quan Tri huyện Lê Trọng Thiên, nhân dân quý trọng gọi Bà với tên: Bà Tri huyện. Với nhân cách là con nhà quan, đoan trang, hiền thục, trung hậu, đảm đang, Bà đã chăm lo công việc nội trợ chu đáo tạo điều kiện để quan Tri huyện chăm lo công việc xã hội, giúp dân an cư lạc nghiệp. Dòng họ Lê làng Kim Chi, xã Nghi Liên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An được hình thành từ đấy.

Người con trai đầu của Đức Thuỷ tổ, kế tục sự nghiệp của thân phụ trong việc chiêu dân, lập ấp, đứng đầu trong một cộng đồng dân cư, trông coi mọi việc trật tự trị an trong xã hội với chức danh Trùm trưởng, được nhân dân gọi là Quan Trùm. Ngài có công trong việc chỉ đạo nhân dân khai khấn đất hoang, chăm lo đời sống về mọi mặt, giúp dân an cư lạc nghiệp. Khi qua đời Ngài cũng được vua ban tên thuỵ là Lê Tiên Công.
Người con gái của Thuỷ Tổ mất sớm, theo truyển thuyết lưu truyền trong dòng họ, đầu xuân, dân làng Chi Bái mở hội. Đêm ấy, làng mời Phường Trò về hát. Bà huyện Đinh Thị Thóc khi ấy đã mang thai gần đến ngày sinh nở, khi đi xem hát về, đến cánh đồng làng, bà bị trượt ngã trụy thai, là một bé gái. Khi dân làng dìu bà về đến nhà, ông Lê Trọng Thiên biết việc xẩy ra, liền cho người đến để chôn cất thai nhi. Khi người nhà tới nơi, không thấy thai nhi đâu nữa, chỉ thấy một đống đất do mối vùn đắp thành ngôi mộ cao to. Dân làng cho là điềm lành, đã thiết linh vị, lập am thờ bên cạnh mộ rất uy nghiêm, gần với vị trí nhà thờ họ Lê hiện nay. Khi ông Lê Trọng Thiên qua đời, dòng họ đã phối thờ Ông cùng con gái và hình thành nên nhà thờ họ Lê ta.

Khi con cháu trong họ bị đau ốm, hoạn nạn, đến nhà thờ lễ bái, xin đức Tổ Cô ngự đồng cho thuốc uống  chữa bệnh tật rất hiệu nghiệm. Tiếng lành đồn xa, nhiều người ngoài họ, khi bị hoạn nạn, cũng đã đến nhà thờ họ Lê cầu cúng xin bùa, xin thuốc, như cầu thần thánh vậy. Ngày rằm, mồng một âm lịch con cháu  và dân làng về nhà thờ nghe các đệ tử gõ mõ tụng kinh Phật. Quang cảnh nhà thờ trang nghiêm, linh thiêng như cảnh đền chùa vậy.

Hết đời này qua đời khác, không những con cháu trong họ, mà cả nhân dân trong vùng cũng đến nhà thờ cúng lễ, cầu khấn để xin được chở che cho cuộc sống bình yên, vô sự, tai qua, nạn khỏi… Đến triều đại nhà Nguyễn, Vua Thành Thái có Dụ chỉ ban khắp thiên hạ cho phép kê khai những đền chùa, nhà thờ có các vị thần linh thiêng cứu nhân, độ thế, để vua ban sắc khen thưởng, Tuân theo Dụ chỉ, họ Lê ta đã làm tờ khai kể công đức Tổ Cô đã từng ngự đồng cho thuốc chữa bệnh tật cho dân, cho bùa trừ tà ma, giải hạn, tâu vào Triều, được Nhà Vua chuẩn y ban sắc phong danh Quế Hoa công chúa chi thần năm (1896), Sau khi được phong Quế Hoa công chúa, Tổ cô còn có thêm 2 sắc phong: Duy Tân năm 1909 và Khải Định năm 1924.

Xin đọc nội dung Sắc phong của Vua Khải Định ban cho Bà Tổ Cô:
Sắc cho giáp Trung, làng Chi Bái, xã Kim Nguyên, huyện Chân Lộc, tỉnh Nghệ An: Theo lễ cũ, vị thần vốn đã được phong tặng là: Nhân uyển dực bảo trung hưng Quế Hoa công chúa tôn thần, Bà đã từng được ban cấp sắc phong, chuẩn cho phụng thờ. Nay nhân dịp lễ Đại khánh tiết, Trẫm tròn tứ tuần nên ban chiếu báu tỏ rõ ân sâu, theo lễ nâng bậc. Đặc chuẩn cho phép phụng thờ như cũ. Chép vào tự điển để ghi nhớ Quốc khánh.
                                                                      Hãy kính noi theo
                                                                      25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)

Ngoài Tổ Cô Quế Hoa được ban sắc, hậu duệ Lê Trọng Thọ (đời thứ 5) đội trưởng đội Ưu binh dưới triều Vua Lê Cảnh Hưng cũng được Vua ban hai đạo sắc ghi công trạng.

Nhà thờ Đại tôn là nơi thờ tự các vị Thủy tổ và Bà Tổ cô Quế Hoa công chúa cùng các vị Hậu duệ của dòng họ. Hiện tại nhà thờ còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và tâm linh, tiêu biểu là các Long ngai, Bài vị, đồ tế khí và các sắc phong của các triều đại Phong kiến ban tặng cho các hậu duệ của đức Thủy tổ.

Ngày 25 tháng 8 năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 4110/QĐ.UBND, công nhận Nhà thờ và khu Mộ các vị Tổ của dòng họ là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là một sự kiện trọng đại của dòng họ, là niềm tự hào của con cháu gần xa khi hướng về cội nguồn tiên tổ.

Có một chi tiết  liên quan đấn dòng họ và các vị Tổ mà con cháu cần lưu tâm đó là, trong quyến sách “Tục thờ thần và thần tích Nghệ An” của cố PGS Ninh Viết Giao đã viết về nhà thờ họ lê ta là Miếu họ Lê, thờ ông Lê Trọng Thiên, Tri huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương, người khai canh ra làng Chi Bái cùng con gái được sắc phong là Quế Hoa công chúa, miếu này thờ hai cha con.

Chúng ta biết rằng, trong các hệ thống đền chùa ở Việt Nam có Chùa là nơi thờ Phật; Đình gắn với làng là nơi thờ ông Thành Hoàng của làng và là nơi sinh hoạt cộng đồng của dân trong làng; Đền thờ Thánh và những người có công trạng với đất nước; Nhà thờ, thờ Tổ tiên của dòng họ; Miếu là nơi thờ Thần. Tại sao nhà thờ họ lại được gọi là miếu? Điều này gắn liền với đôi câu đối khắc trước Thượng điện nhằm nhắc nhở các thế hệ con cháu là:
Thiên Thu Chính Khí Thần Nhi Tổ
Bách Tuế Thành Quy Tộc Diệc Hương

Tạm dịch nghĩa là:
Trăm năm rồi, quy tụ nơi đây, Họ là Làng
Ngàn năm sau vẫn khẳng định một điều rằng Tổ là Thần

Trải qua gần 500 năm, đến nay, họ Lê làng Kim Chi đã phát triển đến trên 20 đời, gần 250 hộ với xấp xỉ 1000 nhân khẩu. Ngoài số đông con cháu sinh sống tại quê hương, một số xã lân cận như Nghi Ân, Nghi Trung, Nghi Vạn, Nghi Kim, Nghi Tân, Nghi Thiết, thành phố Vinh,… Một số con cháu lập nghiệp ở các tỉnh thành như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Vũng Tàu và cả ở nước ngoài như Cộng hoà Pháp, Liên bang Nga,… Nhưng cho dù làm ăn sinh sống nơi quê Cha đất Tổ hay ở bất kỳ nơi đâu, các thế hệ con cháu Họ Lê làng Kim Chi vẫn luôn có ý thức gìn giữ gia phong, phát huy truyền thống tốt đẹp của Cha ông và quê hương, chấp hành luật pháp, cần cù trong làm ăn kinh tế, chăm chỉ trong học hành, có nhiều đóng góp cho xã hội ở nhiều lĩnh vực như Quân đội, Công an, Y tế, Giáo dục, Xây dựng, Nghệ thuật, Khoa học - Công Nghệ, Năng lượng, đảm nhận các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Chính quyền, đổi mới trong các hoạt động sản xuất Kinh doanh, Dịch vụ,… Đến nay, trong dòng họ đã có 6 Tiến sỹ, một Nhà giáo ưu tú, 1 Nghệ sỹ ưu tú, hàng trăm con cháu có trình độ Cử nhân, Thạc sỹ, Sỹ quan trung cao cấp, Bác sỹ, Kiến trúc sư, Giám đốc công ty,… đây được xem là thế hệ vàng, có tránh nhiệm tiếp tục phát huy các giá trị lịch sử và truyền thống góp phần làm rạng danh dòng họ và đóng góp sức mình trong sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.

Cuối cùng, nhân kỳ Giỗ Tổ và đầu xuân Quý Mão, thay mặt Hội đồng Gia tộc, tôi xin trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu, các vị khách quý đã tham dự Lễ. Xin kính chúc quý vị cùng toàn thể con cháu, dâu rể trong dòng họ một năm mới an vui, mạnh khoẻ, thành công trong công tác và cuộc sống.
Xin trân trọng cảm ơn.
Tiến sỹ Lê Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay606
  • Tháng hiện tại6,787
  • Tổng lượt truy cập58,626
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây